Trường Đại học Khoa học tham gia Chung kết cuộc thi " Ý tưởng khởi nghiệp" ĐH Thái Nguyên năm 2017

Ngày ban hành: 31/03/2017 Lượt xem: 1280299 lần
Để thắp lửa cho những đam mê và kết nối khởi nghiệp cho các giảng viên trẻ và các bạn học sinh sinh viên, Đại học Thái Nguyên đã phát động cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp lần thứ nhất năm 2017" của Đại học Thái Nguyên. Vòng sơ khảo diễn ra tại các trường đại học thành viên đã thu hút hàng trăm ý tưởng dự thi. Sau vòng sơ khảo, 29 ý tưởng được lựa chọn để tham gia trưng bày và thuyết trình ở vòng chung kết của cộng thi được tổ chức ngày 24.03.2017 tại trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Gian trưng bày của trường ĐH Khoa học

Trường Đại học Khoa học có 4 ý tưởng tham gia vòng chung kết là:

Dự án sản xuất "Bột tắm thảo dược Baby và Bột tắm thảo dược Mama" của tác giả Lê Thị Thanh Hương (Khoa Khoa học sự sống) nghiên cứu. Dự án nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm thảo mộc từ các cây thuốc bản địa của Việt Nam. Sản phẩm bột tắm thảo dược Baby có thành phần từ 10 loài cây thảo dược tự nhiên dùng để tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, làm mát, tránh các bệnh ngoài da và giúp trẻ ngủ ngon. Sản phẩm bột tắm thảo dược Mama dùng để tắm và xông hơi cho mẹ sau sinh, giúp khỏe khoắn và ngăn ngừa cảm cúm hiệu quả.

Dự án sản xuất bột tắm dược liệu từ cây đơn đất (Wedelia Chinesis) do tác giả Phạm Thế Chính (Khoa Hóa học) tham dự. Cây đơn đất, một loại cây thuộc họ cúc, là một vị thuốc được sử dụng trong các bài thuốc vừa có tác dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau như giảm đau, điều trị vết thương. Cây đơn đất đã được nghiên cứu thành công trong việc sáng chế mỹ phẩm thảo dược với tên thương hiệu là "Bột tắm dược liệu WEDELIA".

TS. Phạm Thế Chính đang giới thiệu về sản phẩm Bột tắm dược liệu WEDELIA

Dự án "Plasma ứng dụng trong y tế và thẩm mỹ" do nhóm tác giả Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Thị Ngân, và Đỗ Hoàng Tùng (Khoa Vật lý và công nghệ) tham dự. Plasma được sử dụng trong điều trị các vết thương hở và nhiễm trùng, được sử dụng nhiều trong y tế và dịch vụ thẩm mỹ. Dự án mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất sản máy Plasma Derplas cung cấp cho các bệnh viện, các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc da trên toàn quốc.

Dự án "Tổ chức Hội chợ mua bán và trao đổi đồ cũ" do nhóm tác giả Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Thị Phương Mai, Nguyễn Việt Nga và Sòi Cầm Huyền Trang (Khoa KH Môi trường và Trái đất) tham dự. Ý tưởng ban đầu của dự án xây dựng trên đối tượng dành cho các bạn sinh viên, nơi dành cho các bạn sinh viên có thể mua bán, trao đổi cho nhau những món đồ dùng còn tốt mà mình không sử dụng nữa nhưng lại có ích cho người khác trên tinh thần "cũ người - mới ta". Dự án chú trọng vào lợi ích của những người tham gia mua bán và trao đổi đồ với ý nghĩa về mặt môi trường (tái sử dụng, giảm thiểu rác thải); kinh tế (tạo thu nhập cho người bán và tiết kiệm cho người mua) và xã hội (tạo môi trường, cởi bỏ mặc cảm người cho-kẻ nhận trong xã hội).

Các đội tham dự chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám hiệu Nhà trường và lãnh đạo phòng KH&HTQT

Gian trưng bày ý tưởng của trường Đại học Khoa học được bố trí ở vị trí trung tâm của triển lãm và đã thu hút rất nhiều người quan tâm, tham quan và đặt mua các sản phẩm trưng bày. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, các nhóm ý tưởng cũng nhận được sự quan tâm, động viên và hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường, phòng Khoa học và HTQT. Kết thúc cuộc thi, Trường ĐH Khoa học có 3 ý tưởng được lọt vào nhóm 10 ý tưởng xuất sắc và đạt giải Khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp năm 2017 của Đại học Thái Nguyên. Sự thành công của cuộc thi khởi nghiệp lần thứ nhất sẽ làm động lực khuyến khích cho các giảng viên trẻ và học sinh sinh viên của trường ĐH Khoa học nói riêng và ĐH Thái Nguyên nói chung tham gia và thể hiện ý tưởng của mình trong các lần tổ chức tiếp theo.

Nguyễn Thị Phương Mai -Khoa KH Môi trường và Trái đất

 

Thông báo mới
Tin Tuyển dụng