Đinh Thị Hằng Nga – tấm gương vượt khó tiêu biểu của sinh viên Văn K5

Ngày ban hành: 12/06/2016 Lượt xem: 1126726 lần

Được thành lập từ năm 2006, tính đến nay, khoa Văn – Xã hội đã có 5 thế hệ sinh viên ra trường lập nghiệp. Trong số những cựu sinh viên thành đạt của khoa, Đinh Thị Hằng Nga luôn được thầy cô và bạn bè đồng khóa đánh giá là một gương mặt tiêu biểu.

Hằng Nga – nữ sinh đam mê phương pháp học trải nghiệm

Ngay từ khi còn là sinh viên, Hằng Nga đã là một sinh viên năng nổ, nhiệt tình, yêu nghiên cứu khoa học. Là khóa sinh viên Văn đầu tiên, Nga và các bạn đồng môn đã phải học tập và nghiên cứu trong điều kiện vật chất của khoa và nhà trường còn nhiều khó khăn. Nhưng điều đó không làm nản lòng cô nữ sinh nhỏ bé của đất mỏ Quảng Ninh. Kết thúc khóa học, Nga là một trong những sinh viên có thành tích học tập đáng nể mặc dù những ngày đầu em còn cảm thấy khá bỡ ngỡ và rụt rè trước những phương pháp giảng dạy mới mẻ ở trường đại học, đặc biệt là phương pháp học trải nghiệm. Đó thực chất là phương pháp đưa sinh viên vào các môi trường tác nghiệp thực tế để nâng cao kĩ năng nghề cho sinh viên ngay từ những năm đầu tiên của khóa học. Mới tiếp xúc với những môn học này, Nga và các bạn không tránh khỏi những đêm mất ăn mất ngủ. Ban đầu bỡ ngỡ là thế, lo sợ là thế nhưng chỉ qua một chuyến đi trải nghiệm ngắn ngày, những cảm giác đó bỗng chốc biến thành niềm vui, niềm đam mê vô hạn. Trong ngày tốt nghiệp, chúng tôi vẫn nhớ mãi lời tạm biệt đầy vấn vương của cô sinh viên ham học ấy: “Cô ơi, em ra trường rồi nhưng khi nào khoa tổ chức đi điền dã các cô gọi em, cho em đi với ạ!”. Năm năm sau, chúng tôi gặp lại Nga trong buổi lễ Chào tân sinh viên K13. Nga về tham dự buổi lễ với tư cách là cựu sinh viên thành đạt để chia sẻ, động viên các tân sinh viên. Bằng kinh nghiệm của bản thân, Nga đã truyền lửa lớp sinh viên sau mình niềm vui học tập và nghiên cứu khoa học. Nga nói: Đừng biến mình thành những con mọt sách thụ động mà hãy chủ động mở cửa bước ra và đón nhận mọi tạp âm của cuộc đời. Muốn vậy, các bạn sinh viên cần phải ý thức về việc rèn luyện và tích lũy kĩ năng sống cho bản thân bằng các công việc vốn rất quen thuộc như tham gia nghiên cứu khoa học, điền dã thực tế, tham gia làm khóa luận tốt nghiệp…

Thực tế chuyên môn tại Ba Bể - Bắc Kạn

Con đường tìm việc đầy chông gai

Không phải con đường nào cũng trải đầy hoa hồng cho những sinh viên ưu tú. Và Nga là cô sinh viên như thế. Cầm trong tay tấm bằng loại giỏi, nắm chắc trong tay các kĩ năng mềm đáng ngưỡng mộ, Nga tự tin trở lại quê hương với hoãi bão cống hiến trí lực cho tỉnh nhà. Nhưng kết quả dự tuyển công chức đã không thành, mơ ước trở thành cô giáo cấp III với Nga khó khăn biết dường nào. Cũng như bao sinh viên chờ việc, có lúc Nga rơi vào trạng thái bế tắc, mệt mỏi, buồn chán. Những dòng startus trên face, những lời tâm sự đầy bi nản của cô sinh viên vốn đầy nhiệt huyết khiến chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng. “Hãy tìm một ước mơ khác thiết thực hơn em nhé”…là tất cả những gì chúng tôi có thể động viên em lúc này. Và Nga đã tiếp nhận những lời động viên đó như một bài học, em đứng dậy từ bỏ ước mơ làm cô giáo THPT để bước vào cuộc sống. Nga lăn lộn với cuộc mưu sinh bằng bất cứ công việc gì có thể: bán hàng, làm gia sư, làm cộng tác viên cho các báo, đài địa phương…Trong 2 năm, Nga bươn chải biết bao công việc nhưng trong lòng em vẫn nuôi niềm tin sẽ tìm được một công việc phù hợp và ổn định. Bặt tin một thời gian, tháng 7 năm 2013, chúng tôi vui mừng khi thấy em thông báo mình đã được nhận vào làm tại Đài truyền hình tỉnh. Công việc đó, chúng tôi hiểu hoàn toàn phù hợp với một nữ sinh năng động, hoạt bát và nhiều đam mê như em. Chia sẻ với tôi trong niềm vui vô bờ Nga nói: “Chờ việc mệt mỏi lắm cô ạ, những lúc ấy em luôn nghĩ đến những bài học nói về niềm tin của các cô, nên việc gì gặp em cũng làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Chính những công việc đó đã giúp em một lần nữa học được nhiều kĩ năng sống cần thiết, và giúp em có được việc làm này một cách chân chính và xứng đáng. Em hiểu rằng cuộc sống không nhiều màu hồng nên đừng để bản thân phải chờ đợi điều gì mà ngay từ đầu tự mình phải lao vào cuộc sống, cứ làm đi, làm bất cứ việc gì mà bản thân có thể làm, rồi thành công sẽ đến. Bởi một công việc chân chính dù tầm thường đến đâu cũng đều có thể trở thành thầy của bạn".

Hằng Nga nhận giải tại liên hoan phát thanh truyền hình tỉnh

Thành tích công tác nổi bật – niềm tự hào của một thế hệ sinh viên

Khi vừa bước vào nghề báo, bản thân Nga cũng rất tự tin mặc dù không tốt nghiệp ngành Báo. Hai học phần lí thuyết cơ bản về báo em được học ở trường đại học cộng với những lần đi thực tế ở các báo, đài đã là nền tảng cơ bản để em không cảm thấy bỡ ngỡ khi tiếp nhận công việc nhạy cảm này. Nghề báo là nghề viết yêu cầu bản thân người cầm bút phải có nhiều kĩ năng tổng hợp. Nga đã từng là cộng tác viên các báo, Nga  đã từng làm nghiên cứu khoa học, đã từng được nếm trải cuộc sống bán buôn nên những thách thức của nghề báo không thể làm Nga nhụt chí. Và kết quả là sau gần một năm bước vào nghề em đã vinh dự dành được giải vàng trong liên hoan truyền hình tỉnh Quảng Ninh. Thành công đó không chỉ là niềm vui của riêng Nga mà còn là niềm tự hào của các thầy cô khoa Văn – Xã hội. Gương mặt trẻ đầy triển vọng ấy lại liên tiếp có các sản phẩm dự thi tại các liên hoan truyền hình toàn quốc và đều giành được giải. Thành công nối tiếp thành công nên chỉ sau 3 năm vào nghề, cái tên Đinh Thị Hằng Nga đã trở nên rất đỗi quen thuộc với giới làm báo đất mỏ và với cả thế hệ sinh viên khóa sau của khoa Văn – Xã hội.   

Hằng Nga tham gia liên hoan phát thanh toàn quốc

Thu Hòa

 

Thông báo mới
Tin Tuyển dụng