Tấm gương sáng trong học tập và nghiên cứu khoa học – Khoa Vật lý & Công nghệ

Ngày ban hành: 24/03/2017 Lượt xem: 706184 lần
11-01-2017 14:33 Xem: 2753 lần
Tấm gương sáng trong học tập và nghiên cứu khoa học – Khoa Vật lý & Công nghệ_thumbnail

Trong bài viết ngắn gọn này, tôi muốn nói tới một trong hai sinh viên của nhóm sinh viên Khoa Vật lý và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên vừa vinh dự được trao giải Nhì của “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học” toàn quốc năm 2016. Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại Thôn tháng 10, Xã Yên Lâm, Huyện Hàm Yên, Tỉnh Tuyên Quang. Với khát khao được học tập và nghiên cứu, em đã vượt qua tất cả những khó khăn đó để sau khi tốt nghiệp THPT, sinh viên Đỗ Thị Ngân đã mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký và thi vào học ngành Vật lý - Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. 

Sinh viên Đỗ Thị Ngân – Lớp Vật lý K11, Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên

Học kì I của năm thứ nhất Đại học, do còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường học tập và môi trường sống xa nhà nên em đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra phương pháp học tập hiệu quả , tuy nhiên sinh viên Đỗ Thị Ngân đã đạt kết quả học lực khá. Sang học kỳ II của năm học này, Ngân đã dần quen và tìm ra phương pháp học tập hiệu quả hơn và nhận được thành tích nổi bật và đạt học lực loại Giỏi kể từ học kì này. Đây là mốc thời gian đánh dấu bắt đầu em có thành tích vượt trội trong học tập. Từ năm học thứ 2 Ngân luôn nằm trong nhóm dẫn đầu lớp Vật lý K11 về thành tích học tập, đặc biệt từ năm học thứ ba Ngân luôn đạt học lực loại Xuất sắc.

Bắt đầu từ năm thứ 3, Ngân đã say mê trong việc nghiên cứu khoa học (NCKH) và cũng là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ đam mê nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Vật lý & Công nghệ. Được sự định hướng tốt của thầy hướng dẫn là TS. Nguyễn Văn Hảo, Ngân và sinh viên Nguyễn Trường Sơn chính là hai thành viên của nhóm nghiên cứu “Chế tạo thiết bị plasma ứng dụng trong y học”. Đây là một hướng nghiên cứu mới và được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học vì nó có rất nhiều ứng dụng đột phá trong việc điều trị các bệnh da liễu cũng như các vết thương hở rộng mà không cần dùng thuốc.

Khi bắt đầu công trình khoa học đầu tiên của mình, em đã tâm sự với tôi rằng: “em rất hứng thú với các nghiên cứu về công nghệ plasma và ứng dụng”. Cũng rất may mắn cho em là được sự hướng dẫn rất tận tình của TS. Nguyễn Văn Hảo – Giảng viên Khoa Vật lý & Công nghệ, với niềm say mê khoa học của mình TS đã ít nhiều truyền “lửa” khoa học cho em. Sau một năm nghiên cứu, em đã rất tự tin khi bảo vệ Đề tài nghiên cứu Khoa học của mình với kết quả xuất sắc. Ngoài ra, đề tài NCKH của nhóm em đã vượt lên trên 200 đề tài của cả Trường để tham gia “Giải thưởng sinh viên NCKH” năm 2016.

SV Đỗ Thị Ngân trình bày tóm tắt các kết quả của đề tài trước Hội đồng vòng chung khảo

Đề tài của nhóm em đã vượt qua 279 đề tài của 74 trường Đại học trên toàn quốc để lọt vào chung khảo Giải thưởng Sinh viên NCKH năm 2016. Kết quả sau vòng chung khảo, đề tài của nhóm em đã đạt giải Nhì và được Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Đây là một thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực trong học tập và say mê nghiên cứu khoa học của em và nhóm nghiên cứu.

Bằng khen Giải Nhì của Đỗ Thị Ngân tại Giải thưởng SV NCKH toàn quốc năm 2016.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Giải thưởng đã quy tụ được khá nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có tính mới, tính sáng tạo, có nội dung phong phú và một số đề tài có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Một số đề tài đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề thời sự mà xã hội rất quan tâm.

Tại lễ trao giải thưởng, sinh viên thực hiện đề tài đạt giải Nhất và giải Nhì sẽ được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCSHCM, sinh viên thực hiện đề tài đạt giải Ba và giải Khuyến khích sẽ được tặng Giấy khen của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam – Vifotec.

Năm 2016, toàn quốc có 279 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên (thuộc 6 lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Y Dược, Khoa học Nông nghiệp, Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn) tham gia xét giải. Đây là những đề tài xuất sắc nhất được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 74 trường đại học, học viện trên cả nước.

Qua hai vòng đánh giá với sự tham gia của gần 200 lượt giám khảo là các nhà khoa học có uy tín, ban tổ chức đã trao 8 giải Nhất, 38 giải Nhì, 66 giải Ba và 85 giải Khuyến khích trong số 279 đề tài đề tài tham gia dự.

Trong khuôn khổ lễ trao giải, Bộ GD&ĐT đã tổ chức trưng bày triển lãm giới thiệu các đề tài nghiên cứu được chọn vào vòng chung khảo. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên đến từ các trường được giao lưu, học hỏi, khơi dậy niềm say mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Tại bàn giới thiệu sản phẩm của đề tài số hiệu TN-14 thuộc các nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS Phạm Mạnh Hùng cũng rất quan tâm tới hướng ứng dụng của plasma trong điều trị trong y học. Thứ trưởng đã trao đổi và nhận xét về học trò thực hiện đề tài này: “Học trò xuất sắc của Hiệu trưởng Giáo sư xuất sắc Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS Phạm Mạnh Hùng (người đứng giữa) và Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải – đơn vị tổ chức vòng chung khảo cũng rất quan tâm tới hướng ứng dụng của đề tài của nhóm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đã bắt tay TS Nguyễn Văn Hảo (CB hướng dẫn) để chúc mừng những kết quả rất tốt của nhóm tác giả

SV Đỗ Thị Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu và thầy giáo hướng dẫn TS. Nguyễn Văn Hảo (ngoài cùng bên phải)

Gặp lại Ngân sau khi kết thúc Vòng chung khảo và Lễ trao giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016 trở về, tôi hỏi cảm giác thế nào khi nhóm của em là 1 trong hai nhóm đề tài đạt giải Nhì trong toàn bộ các đề tài của Đại học Thái Nguyên, Ngân chỉ trả lời “Em vui lắm, vì hoài bão và ước mơ thời sinh viên đã đạt được”.

Ước mơ này sẽ chắp cánh cho những ước mơ khác, xin chúc cho Ngân đạt được mọi ước mơ và xứng đáng là một sinh viên xuất sắc được sự tin yêu, quý mến của thầy cô và bạn bè trong Khoa Vật lý & Công nghệ nói riêng và sinh viên toàn trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên nói chung.

Sinh viên Đỗ Thị Ngân - một sinh viên ưu tú, một tấm gương học tập và nghiên cứu khoa học đại diện cho các thế hệ sinh viên của Khoa Vật lý & Công nghệ. Kết quả đạt được sau gần 4 năm học tập chăm chỉ và say mê nghiên cứu khoa học, không chỉ là niềm vui của bản thân mà còn là niềm tự hào của gia đình và thầy cô. Chúc em tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích trên con đường đã chọn “con đường nghiên cứu khoa học”. Qua đây, tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, dù các bạn xuất phát có thể khác nhau, nhưng nếu các bạn có ý chí học tập, NCKH thì luôn luôn được Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên và tập thể các thầy, cô giáo trân trọng, tạo mọi điều kiện và sát cánh để cùng SV thực hiện thành công hoài bão ước mơ của mình.

Khoa Vật lý và Công nghệ - ĐHKH

 

Thông báo mới
Tin Tuyển dụng